|
Cô Lê Thị Thúy Hồng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) cho biết, thường các môn thi tốt nghiệp sẽ chia đều 3 môn tự luận và 3 môn trắc nghiệm. Năm nay có đến 4 môn tự luận (văn, sử, địa, toán). Ngay cả thầy Trần Văn Quang - Tổ trưởng bộ môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cũng thừa nhận: “Thường một môn thi chỉ xuất hiện 3 năm liên tiếp. Không ngờ đây là năm thứ 4 liên tiếp thi địa lý. Do vậy, nhiều HS dự đoán sai và bỏ lơ môn địa trong quá trình học trước đó”.
Từ thực trạng này, hiện hầu hết các trường THPT đều lên phương án “luyện” cho HS nhanh chóng nắm bắt kiến thức của 2 môn sử, địa. “Trong quá trình ôn, chúng tôi chú trọng đến việc rèn kỹ năng cho HS. Đối với môn sử, chúng tôi yêu cầu giáo viên ôn tập theo chủ đề, sự kiện. Về địa lý ngoài ôn lý thuyết còn rèn cho các em kỹ năng vẽ biểu đồ, đọc Atlat. Nhưng vấn đề rèn luyện kỹ năng phân tích, so sánh mới là quan trọng vì trong nhiều năm nay đề thi đòi hỏi HS phải có kỹ năng phân tích mới làm được chứ không chỉ học thuộc lòng, học vẹt như trước”, cô Lê Thị Thúy Hồng cho biết.
“Ở Trường THPT Nguyễn Trãi, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu mở cửa trường, lớp vào chiều thứ sáu và cả ngày thứ bảy để những HS không ôn tập kịp môn sử, địa theo đề cương, kế hoạch ôn của giáo viên vào học, truy bài. Giáo viên sẽ kèm cặp từng em một”, thầy Trần Phước Đức - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
“Tâm lý HS thường ngán, sợ môn nào thì sẽ học kém ở môn đó. Do vậy, các em nên tạo tâm lý thoải mái, cố gắng ôn tập trong trạng thái thư giãn, thả lỏng. Môn học nào cũng có cái thú vị, nếu các em chịu khó, tìm tòi sẽ cảm thấy thích thú và ôn tập tốt”, cô Hoàng Thị Diễm Trang - Hiệu phó Trường THPT Gia Định khuyên.
Minh Luân (thanhnien.vn)
Đăng nhận xét